Nhạc Indie là một dòng nhạc không theo một trào lưu hay xu hướng nào. Tại sao nó lại len lỏi vào thị trường và bùng nổ một cách mãnh liệt đến thế?
1. Nhạc Indie là gì?
Trong những năm gần đây, cùng với sự ra đời của hàng loạt các xu hướng và thị hiếu âm nhạc của khán giả có nhiều thay đổi. Có một dòng nhạc chẳng những giữ được chỗ đứng cho riêng mình mà còn được khán giả yêu nhạc đón nhận ngày càng nhiều. Đó là Nhạc Indie. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân vì sao dòng nhạc này lại được xem là dòng nhạc không trào lưu và chinh phục được rất nhiều người yêu âm nhạc.
Tên gọi của dòng nhạc Indie khởi nguồn từ khái niệm “Independent” trong tiếng Anh có nghĩa là độc lập, không tùy thuộc vào bất cứ điều gì. Ngay trong tên gọi của dòng nhạc này cũng thể hiện phần nào tính chất riêng biệt của nó, các nhạc sĩ, ca sĩ, ban nhạc Indie hoạt động nghệ thuật một cách độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ cơ quan truyền thông nào và cũng không phụ thuộc vào thị trường công chúng. Các nghệ sĩ của dòng nhạc Indie không cần có một chiến lược quảng bá hay phải ký hợp đồng với công ty nào để sản xuất âm nhạc, họ có thể tự sáng tác, tự tiến hành các công đoạn hòa âm, phối khí và khi ra mắt một sản phẩm âm nhạc, họ cũng không cần họp báo hay công bố trên truyền thông.
2. Nhạc Indie không theo trào lưu
Vì sao nói nhạc Indie là dòng nhạc không theo trào lưu? Bởi vì so với dòng nhạc Indie thì các dòng nhạc khác như nhạc thính phòng hay dòng nhạc thị trường, nhạc Underground,... thì nhạc Indie thường mang tính cá nhân hơn tính tập thể, thị trường. Nghĩa là trong mỗi sáng tác của các nghệ sĩ Indie thường không phụ thuộc vào thị hiếu khán giả, không có nhu cầu tạo hit. Các nghệ sĩ Indie được tự do thoải mái thể hiện cảm xúc, tình cảm của riêng mình trong các sáng tác nên thường mang đậm dấu ấn cá nhân, mang đậm sự sáng tạo. Vì không phải phụ thuộc vào thị hiếu của khán giả hay các xu hướng được ưa chuộng, nên có thể nói nhạc Indie là dòng nhạc không theo trào lưu.
Từ Indie dùng để định nghĩa về một dòng nhạc, một loại hình nhạc chứ không phải để chỉ một thể loại nhạc. Nên nhạc Indie có tính đa dạng và phong phú. Nếu ở thời điểm mới xuất hiện nhạc indie mang nhiều phong cách punk- rock thì hiện tại dòng nhạc này rất đa dạng và tồn tại nhiều thể loại khác nhau, có thể kể đến gothic rock, Indie - pop hay britpop... Sự đa dạng về thể loại nhạc giúp cho người nghệ sĩ Indie tự do trong lựa chọn cách thể hiện cảm xúc và những suy tư, chiêm nghiệm hay cá tính âm nhạc của riêng mình trong từng tác phẩm âm nhạc.
3. Nhạc Indie thế giới
Trong những năm gần đây, nhạc Indie Âu Mỹ đang ngày càng được yêu thích và khẳng định được vị trí của mình trên nền âm nhạc thế giới. Các nghệ sĩ Indie không cần chiến lược quảng bá nào nhưng với thứ âm nhạc nghệ thuật của mình đã chinh phục biết bao khán giả đam mê nhạc. Tiêu biểu là với tác phẩm “Somebody that I used to know” của Gotye đã làm mưa làm gió trên rất nhiều bảng xếp hạng âm nhạc tại Âu Mỹ và bán được rất nhiều đĩa cũng như lượt tải về cực khủng. Các nghệ sĩ khác của dòng nhạc Idie như Lana Del Rey, Bjork,... đều đã được khán giả đón nhận với dòng nhạc độc lập, mang dấu ấn của riêng nghệ sĩ này.
4.Nhạc Indie Việt Nam
Cùng với sự phát triển tại Âu Mỹ, nhạc Indie cũng được du nhập vào Việt Nam. Nhạc Indie Việt dù đã có nhiều bước tiến quan trọng nhưng nhìn chung vẫn còn khá xa lạ với nhiều khán giả trong nước.
Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ sự phát triển đình đám của dòng nhạc thị trường. Hàng loạt các công ty giải trí ra đời và thực hiện các chiến lược truyền thông, quảng cáo cho dòng nhạc thị trường. Họ nắm bắt thị hiếu của khán giả trẻ hiện nay yêu thích các dòng nhạc dễ nghe, dễ hiểu và thông dụng. Ngoài ra còn có sự quảng bá của dòng nhạc thông dụng này trên các phương tiện truyền thông, các gameshow truyền hình về âm nhạc cũng ra đời cũng góp phần tiếp cận với khán giả nhiều hơn.
Ngoài ra bên cạnh sự tiếp sức của truyền thông, những nghệ sĩ đại chúng sẽ được nhiều khán giả yêu thích và hâm mộ hơn những nghệ sĩ Indie. Bởi vì các nghệ sĩ đại chúng không chỉ được khán giả biết đến qua các sản phẩm âm nhạc, họ còn thu hút được nhiều người hâm mộ bởi các yếu tố khác như ngoại hình, trang phục, phong cách trình diễn hay thậm chí một số người còn lợi dụng những ồn ào đời tư để đánh bóng tên tuổi của mình và đa số họ khá thành công bởi trong thời đại phát triển của Internet, mạng xã hội cập nhật các tin tức và truyền rộng ra với tốc độ chóng mặt. Có rất nhiều người chỉ sau một đêm đã trở thành hiện tượng đình đám, có một vài ca khúc cũng trở thành hit chỉ sau một vài ngày ra mắt.
Dẫu vậy, với sự độc lập và đặc biệt của mình, nhạc Indie vẫn tạo cho mình một chỗ đứng riêng trong nền âm nhạc Việt. Những người tìm đến với dòng nhạc này say mê âm nhạc thực sự và họ thường là những khán giả trung thành của dòng nhạc Indie.
5. Các nghệ sĩ tiêu biểu của dòng nhạc Indie tại Việt Nam.
Nhạc Indie Việt dù gặp nhiều khó khăn và chưa tiếp cận được với nhiều khán giả cũng như chưa nhiều người thật sự am hiểu về dòng nhạc này. Nhưng trong những năm gần đây, các nghệ sĩ Indie đã làm nên tên tuổi cho riêng mình bằng các sáng tác mang tính độc lập, các nghệ sĩ Indie được khán đón nhận ngày càng nhiều. Thậm chí có một số ca sĩ nổi tiếng hát dòng nhạc này rất quen thuộc với người nghe, chỉ có điều người ta không biết, không hình dung ra họ thuộc dòng nhạc Indie vì dòng nhạc này như đã nói ở phần trên của bài viết, hiện nay chưa thật sự phổ biến ở Việt Nam.
Một trong những nghệ sĩ nổi tiếng và khá quen thuộc với khán giả Việt và có các sản phẩm được đánh giá là nhạc Indie hay đó là Lê Cát Trọng Lý. Âm nhạc của Lê Cát Trọng lý được xem là độc đáo ở sự kết hợp đặc biệt âm nhạc cổ điển phương Tây có đặc điểm là phức tạp và các nhạc cụ cũng như giai điệu của nhạc dân tộc Việt Nam có đặc điểm là đơn giản. Sự phức tạp và đơn giản cùng hòa quyện với nhau tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt, cùng với lời bài hát là những từ ngữ tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có sức hút và dễ đi vào lòng người.
Bên cạnh Lê Cát Trọng Lý còn có các nghệ sĩ nổi tiếng và thành công với dòng nhạc Indie như: Hà Kio, Tina Tình,… Các ca sĩ này dù không ồn ào nhưng lại chọn cho mình những phong cách âm nhạc riêng, mang dấu ấn cá nhân của từng người và đã gặt hái được nhiều thành công khi theo đuổi dòng nhạc Indie.
6. Các nhóm nhạc Indie Việt.
Nhắc đến các nhóm nhạc Indie Việt, cái tên đầu tiên phải kể đến là nhóm Da Lab, nhóm nhạc này được thành lập vào năm 2007 gồm có 5 thành viên trong nhóm. Các tác phẩm của Da Lab không đi theo xu thế hay trào lưu nào để thu hút số đông khán giả. Da Lab band khát khao tạo được một loại âm nhạc tử tế của riêng mình. Sẽ không quá nếu nói âm nhạc Indie của Da Lab mang màu sắc văn học với việc chạm vào những nỗi cô đơn, nỗi đau sâu nhất của con người trong thế giới hiện đại.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu nhắc đến các nhóm nhạc Indie mà bỏ qua Ngọt band với 4 thành viên, hoạt động nghệ thuật bằng việc tạo ra các sản phẩm âm nhạc indie. Ban nhạc này có phong cách biểu diễn rất riêng, không cầu kì, chỉ với một người chơi trống, một người chơi guitar, một người bass và một người chuyên hát chính cho band. Những ca khúc thuộc nhạc Indie của Ngọt band thể hiện những suy tư, cái nhìn của những con người trẻ tuổi đối với xã hội hiện đại một cách rất lạc quan. Nó truyền cảm hứng sống một cách mạnh mẽ đến với những người nghe nhạc, rằng cuộc đời này dẫu có bao nhiêu khó khăn vẫn đẹp và trong lành biết bao.
7. Sự giao thoa giữa các dòng nhạc.
Dòng nhạc Indie đã đi vào lòng người và chiếm giữ một vị trí không nhỏ là vậy, giữa rất nhiều những dòng nhạc khác nhau dường như không còn chiều sâu nữa như dòng nhạc thị trường. Nắm bắt xu thế ấy, nhiều ca sĩ đại chúng tức là những ca sĩ thuộc các công ty truyền thông quản lý, có chiến lược PR, phát triển các sản phẩm âm nhạc để đến với khán giả. Các ca sĩ này lại lựa chọn hát những sáng tác của dòng nhạc Indie tạo nên sự giao thoa và sự phát triển sang một hướng khác của dòng nhạc này.
Dĩ nhiên cũng sẽ có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề giao thoa này, bởi lẽ nếu không phải do các nghệ sĩ nhạc Indie biểu diễn thì các ca khúc này không còn gọi là thuộc dòng nhạc Indie nữa rồi. Các tác phẩm nhạc Indie được các ca sĩ đại chúng biểu diễn dĩ nhiên sẽ nằm trong chiến lược quảng bá truyền thông của họ, điều này làm mất đi tính chất độc lập vốn là một trong những dấu ấn riêng đặc sắc của dòng nhạc indie.
Tuy nhiên sự giao thoa này lại phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khán giả, nó góp phần đưa nhạc Indie đến gần với nhiều khác giả hơn và thiết nghĩ âm nhạc nếu được đón nhận, được nhiều người thưởng thức vẫn là một trong những điều tuyệt vời nhất.
Dòng nhạc Indie là thế, độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ xu hướng hay trào lưu nào. Các nghệ sĩ biểu diễn nhạc Indie cùng với một phong thái riêng, họ chú tâm vào việc phát triển các tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm âm nhạc Indie luôn đi vào lòng người bởi những rung động từ cảm xúc chân thành nhất, sâu xa nhất mà không gặp bất kì một vật cản nào. Nếu bạn muốn tìm đến những thăng hoa cảm xúc trong âm nhạc, hãy thử với một vài bản nhạc Indie, tin rằng bạn sẽ tìm thấy một phần nào đó ẩn sâu trong con người mình nay được khám phá và biết đâu bạn sẽ lại rung động, lại say mê dòng nhạc Indie.
=> Đón đọc tin tức mới nhất về dòng nhạc Indie tại :
https://nhac.vn/news - chuyên Trang thông tin âm nhạc, giải trí hàng đầu của
nhac.vn