Cách xử lí từng trường hợp chảy máu mũi

  -  

Chảy máu cam hay chảy máu mũi có lẽ không còn là hiện tượng quá xa lạ mà bất cứ ai có lẽ cũng sẽ gặp phải ít nhất một lần. Để khẳng định chảy máu cam có nguy hiểm không thì còn phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể cũng như nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tùy theo từng trường hợp mà chảy máu cam có thể nguy hiểm hay không. Chảy máu mũi Phân loại và cách xử trí sẽ giúp bạn biết rõ về tình trạng để kịp thời giải quyết.

PHÂN LOẠI CÁC DẠNG CHẢY MÁU MŨI

Hiện tượng quan sát được là có dòng máu chảy từ một trong hai bên hoặc cả hai bên mũi ra ngoài. Theo y học, chảy máu mũi được chia thành 2 dạng, gồm: chảy máu ở mũi trước và chảy máu ở mũi sau.

Chảy máu ở mũi trước

Hiện tượng này chiếm tới gần 90% các trường hợp bị chảy máu cam. Đây là trường hợp phổ biến hơn chảy máu mũi sau.

Mô tả tình trạng

Tình trạng chảy máu mũi trước thường xảy ra một bên mũi và chủ yếu chảy ra phía trước. Tình trạng này kéo dài và khối lượng máu chảy không nhiều. Sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu thì máu ngừng chảy.

Vị trí máu chảy

Ở vách ngăn lỗ mũi, khu vực này chứa nhiều mạch nhỏ rất dễ vỡ khi xì mũi hay gặp chấn thương cục bộ như ngoáy mũi, day mũi hay tay bạn vô tình làm xước.

Chảy máu xuất phát từ phía trước mũi.

Đối tượng phổ biến

Ở những vùng khí hậu hanh khô hoặc có môi trường khô như việc dùng lò sưởi hay máy điều hòa trong thời gian dài.

Niêm mạc khô khiến vách ngăn mũi có vảy, nứt nẻ và chảy máu.

Phân loại các dạng chảy máu mũi


Chảy máu ở mũi sau

Khoảng 10% mắc tình trạng chảy máu mũi sau. Chảy máu sau mũi nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn tình trạng chảy máu trước mũi.

Mô tả tình trạng

Thường xảy ra ở cả hai bên mũi. Máu chảy ra phía sau và đi xuống họng. Chảy máu nhiều và có thể khiến cho người bệnh rơi vào trạng thái nguy kịch.

Có thể kiểm soát tình trạng bằng cách nhét bấc mũi hoặc thắt mạch máu.

Vị trí máu chảy

Nguyên nhân thường liên quan tới các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi.

Đối tượng phổ biến

Thường gặp ở người cao tuổi, những người bị huyết áp cao hay gặp chấn thương vùng mũi mặt.

Chú ý:

Việc xác định loại chảy máu mũi dạng nào, cần có kiến thức y khoa để kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Vì vậy, nếu phát hiện lượng máu chảy nhiều hoặc khó cầm, cần đến các cơ sở y tế uy tín và chất lượng trên địa bàn để thăm khám và điều trị ngay.


CẦN LÀM GÌ KHI BỊ CHẢY MÁU MŨI?


Cần ngồi cúi đầu về trước

Mục đích của cách làm này là để giúp xác định được:

+ Lượng máu chảy từ bên mũi nào.

+ Máu còn chảy hay ngừng.

+ Theo dõi được lưu lượng máu chảy ra.


Không ngửa đầu ra phía sau

Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị chảy máu mũi thì cứ ngửa lên để máu ngưng chảy. Tuy nhiên, người chảy máu cam cần phải hết sức chú ý, tuyệt đối không ngửa ra sau. Vì những lý do sau:

+ Máu thay vì chảy ra mũi, sẽ chảy ngược xuống hệ hô hấp dưới. Dễ gây khó thở, sặc máu, hoặc tắc nghẽn ống thở của bệnh nhân.

+ Không xác định lượng máu bị mất.

+ Máu chảy xuống thực quản, dễ gây buồn nôn, đi phân đen.


Bóp chặt cánh mũi trong 10 phút

Một trong các cách cầm máu hiệu quả với lượng máu chảy ít là dùng tay bóp cánh mũi. Cụ thể:

+ Dùng ngón trỏ và ngón cái giữ chặt cánh mũi có máu chảy trong 10 phút.

+ Thở bằng miệng.

+ Trong ít nhất 10 phút, không thả lỏng tay quá sớm sẽ khiến máu khó đông lại.

Lưu ý:

+ Cần xác định và ép vào vách ngăn tương ứng tại điểm mạch Kisselbach trong vài phút.


Không cố hỉ hay ngoáy mũi

+ Cố dùng lực để hỉ hay ngoáy bên lỗ mũi bị chảy máu cam, sẽ làm bong cục máu đông. Ảnh hưởng niêm mạc bên trong và phá mất vật cản máu chảy.

+ Trường hợp buộc phải hắt hơi, người bệnh há to miệng để giảm bớt áp lực lên mũi


Nằm nghiêng sang bên không bị chảy máu cam

+ Nên duy trì việc nằm nghiêng trong một ngày để xem máu đã đông lại và ngưng chảy hẳn chưa.

+ Tư thế này cũng giúp thông thoáng đường thở khi máu còn tình trạng rò rĩ.


CẤP CỨU KHI GẶP NGƯỜI BỊ CHẢY MÁU MŨI

Cấp cứu một bệnh nhân chảy máu mũi, phải nhanh chóng cầm máu rồi sau đó mới tìm nguyên nhân. Trường hợp chảy máu nặng phải chú ý tình trạng toàn thân của bệnh nhân bằng việc theo dõi sát mạch, huyết áp. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi yên tĩnh, ngồi hoặc nằm đầu cao, há miệng để thở và nhổ máu ra. Truyền dịch nếu có bệnh nhân bị trụy mạch, hạ huyết áp.


Truyền máu nếu Hb thấp dưới 50%

Trường hợp chảy máu nặng, tốt nhất là truyền máu tươi liều nhỏ (100ml) nhiều lần.


Thuốc corticoid

Nếu không có chống chỉ định, có thể dùng depersolone tiêm tĩnh mạch được sử dụng trong chảy máu là cần thiết.

Dùng kháng sinh đề phòng nhiễm khuẩn.

Chảy máu mũi cần làm gì để xử trí?


Dùng thuốc đông máu

Để làm tăng độ bền ở thành mạch, giảm thời gian chảy máu như adrenoxyl, premarin, tranesamic acid… Hoặc trực tiếp làm đông máu như vitamin K, sulfate de protamine. Cầm máu tại chỗ được thực hiện từ đơn giản đến phức tạp theo các bước sau:


Dùng bông có tẩm dung dịch cầm máu

Như ôxy già, ephedrin 1-3% nhét vào lỗ mũi, ép đè lên chỗ chảy máu.


Phương pháp nhét mechè

Nhét mechè mũi trước

Sau khi gây tê hốc mũi, dùng cuộn mechè có bề rộng 1 – 1,5cm, bề dài 50cm tẩm mỡ kháng sinh nhét vào mũi.

Dùng đè lưỡi kiểm tra xem máu có chảy xuống thành sau họng hay không, nếu không thấy chảy xuống là tốt. Thời gian lưu mechè từ 24 –  48 giờ.

Trường hợp chảy máu nhiều do chấn thương, tăng huyết áp… nếu nhét mechè mũi trước mà chưa cầm máu thì phải nhét mechè mũi sau.

Chú ý:

+ Nhét mechè có hình đáy võng để mechè không bị tụt xuống thành sau họng, nhét chặt từ sau ra trước cho tới khi đầy ra tận cửa mũi trước.

Nhét mechè mũi sau

Dùng cục gạc bịt kín cửa mũi sau để ngăn không cho máu chảy xuống thành sau họng, đường kính cục gạc khoảng 2 – 2,5cm, chiều cao 2,5cm có buộc dây ở giữa, mỗi đầu dài khoảng 30cm. Sau khi bịt kín được cửa mũi sau, phải tiếp tục nhét mechè mũi trước.


Dùng protein dạng tự tiêu

Trường hợp chảy máu mao mạch, nhất là ở trẻ em, có thể dùng các loại protein tự tiêu có tác dụng cầm máu như spongel.

Ở nhiều nước có nền y học tiên tiến, người ta dùng Merocel là một loại bọt xốp có hình hố mũi, đặt vào mũi, tưới nước, nó nở căng to ôm khít lòng hố mũi, máu cầm ngay mà bệnh nhân không đau. Hoặc dùng bong bóng cao su cho vào mũi rồi bơm căng, lúc lấy ra chỉ cần xì hơi, rất tiện.

Mọi thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.

Bệnh nhân cần khám định kì tai mũi họng 6 tháng để biết tình trạng cảu bản thân. Mọi thắc mắc có thể liên hệ bộ phận tư vấn để được giúp đỡ. Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu luôn sẵn sàng giải đáp.