Trong thời gian mới manh nha xuất hiện thì nhạc Underground được xem như một dòng nhạc không chính thống. Những ca khúc thuộc dòng nhạc Underground thậm chí còn khiến nhiều người dị ứng bởi chất nhạc xa lạ và ca từ bất cần đời. Thế nhưng trải qua một thời gian nhất định thì nhạc Underground đã bắt đầu được nhìn nhận như một phong cách nghệ thuật độc đáo. Cùng lúc đó thì những cái tên xuất thân từ Underground cũng bắt đầu bước ra ánh sáng và nhận được sự yêu thích nồng nhiệt.
Nhạc Underground là gì?
Nhạc Underground là khái niệm được dùng để chỉ tất cả các thể loại nhạc phi chính thống nói chung. Những nghệ sĩ thuộc dòng nhạc Underground thường đăng tải sản phẩm của mình lên internet và hoàn toàn không có những hoạt động được xem là chính thống như quảng bá, phát hành album, chạy viral quảng cáo trên truyền thông, biểu diễn ở show hay sự kiện… như những nghệ sĩ chính thống thông thường. Chính vì hoạt động khá âm thầm và ít khi lộ mặt mà dòng nhạc này được đặt cho cái tên là Underground – dịch ra tiếng Việt nghĩa là dòng nhạc ngầm, dòng nhạc dưới mặt đất.
Hầu hết những nghệ sĩ Underground đều là những người có niềm đam mê rất mãnh liệt với ca hát nói riêng và sáng tạo âm nhạc nói chung. Họ tạo ra sản phẩm chỉ đơn thuần là vì đam mê chứ không để kiếm tiền hay mưu cầu danh tiếng. Chính vì thế mà dòng Underground tránh được sự ràng buộc về thương mại, về thị hiếu của khán giả hay những xu hướng âm nhạc thịnh hành thiên về bề nổi. Sở dĩ các sản phẩm của giới Underground nhận được nhiều hưởng ứng của mọi người, đặc biệt là giới trẻ là vì chúng không ít quan tâm tới khuôn phép. Thay vào đó là những ca từ đời thường, giản dị lại dễ gây đồng cảm và dễ đi vào lòng người.
Những hiểu lầm về nhạc Underground
Khá nhiều người lầm tưởng rằng Underground là tên gọi khác của thể loại nhạc rap, hip hop hay RnB có xuất xứ từ đường phố. Suy nghĩ này là không chính xác vì thực chất thì Underground là dòng nhạc hoàn toàn tự do. Những nghệ sĩ Underground thường chọn rap hay RnB làm chất liệu vì những nhánh âm nhạc này không đặt nặng về quy chuẩn nhạc lý mà trái lại, rất thoáng về tư duy lẫn cách thể hiện. Nghệ sĩ underground thích thể hiện bằng rap chỉ đơn giản rằng dòng nhạc này cho phép họ bộc lộ được cá tính và cái tôi cá nhân rất mạnh của mình. Thế nên ngắn gọn lại thì ta có thể hiểu rằng thế giới ngầm Underground rộng lớn hơn rất nhiều so với ranh giới của dòng nhạc rap và RnB. Chính xác hơn thì Underground không phải là một thể loại nhạc mà chính là một loại hình chơi nhạc dành cho bất cứ ca sĩ – nghệ sĩ phi chính thống nào. Thực tế thì nếu có một bài hát thuộc dạng pop hay ballad nhẹ nhàng được ra đời theo loại hình trên thì chúng cũng vẫn được xem là Underground mà thôi.
Một hiểu lầm khác khá phổ biến là nhiều người thường đánh đồng nhạc Underground với nhạc Indie. Đúng là nhạc Indie (Independent Music) và Underground có điểm chung là đều tự do trong sáng tạo và hoạt động mạnh trên mảnh đất internet nhưng vẫn có những điểm rất riêng mà tiêu biểu vẫn là tính thương mại. Ta có thể thấy rằng nhạc Indie cũng được sáng tác khá ngẫu hứng, chứa nhiều nghệ sĩ tính và ít bị ràng buộc bởi tham vọng tạo hit trên thị trường. Thế nhưng hầu hết các nghệ sĩ Indie vẫn tham gia các buổi biểu diễn, đi hát trên truyền hình hoặc các chương trình quảng bá nhỏ lẻ. Họ vẫn đưa sản phẩm của mình lên các trang web nghe/tải nhạc có thu phí như Apple Music, Spotify, vv… Nhạc Indie có thể có giống với Underground ở chất liệu RnB, Rap, Folk hay Punk Rock… Tính bản nguyên trong nghệ thuật, sự hào nhoáng bị loại bỏ… cũng là những điểm chung, nhưng cả hai lại khác nhau ở một điểm rất mấu chốt là nhạc Indie vẫn tương tác nhiều hơn với công chúng.
Có thể các nghệ sĩ Indie không cần đến những sân khấu lung linh với hàng nghìn khán giả nhưng họ vẫn cần người nghe và có nhu cầu kinh doanh từ sản phẩm của mình. Trái lại thì các nghệ sĩ Underground lại không kinh doanh âm nhạc. Họ chỉ xem âm nhạc như một cách để bộc lộ niềm đam mê hoặc đơn giản hơn là xả stress hay những nỗi bức xúc thường nhật. Tiền bạc hay danh tiếng đối với dân Underground đôi khi lại là thứ phá phỏng không gian âm nhạc cá tính, tăm tối và thoải mái của họ, một khi dính tới thương mại thì lãnh địa underground thiêng liêng kia sẽ bị xâm phạm . Các sản phẩm ẩm nhạc Underground vì vậy mà không cần ve vuốt khán giả đại chúng bằng sự hoa mỹ, thậm chí đôi lúc còn khiến họ phải nhăn mặt bởi những lời lẽ thô tục, những màn “rap dizz” không nhân nhượng.
Làn sóng Underground của Nhạc Việt
Du nhập từ nhạc Underground Âu Mỹ, Underground Việt Nam cũng đã có những bước phát triển thần kỳ cùng với công nghệ thu âm và internet ngày một phổ biến. Hòa với dòng chảy và tinh thần chung của Underground thế giới, Underground Việt bắt đầu đi đúng quỹ đạo của nó, tức là không cần những đòn bẩy, không cần công nghệ lăng xê hay hiệu ứng truyền thông, những nghệ sĩ Underground Việt Nam dần trở nên được yêu thích nồng nhiệt chỉ nhờ vào tài năng chân chính của mình. Những từ khóa như “nhạc Rap Underground”, “nhạc Underground hay nhất”, nhạc Underground 2016, “nhạc Underground 2017”, “nhạc Underground mp3”, “nhạc underground Việt Nam hay”… xuất hiện ngày càng dày đặc trên các công cụ tìm kiếm.
Dòng nhạc Underground Việt thực sự được khởi sắc vào đầu những năm 2010, khi mà những ca khúc “dưới ngầm” như “Forever Alone” của Justa Tee hay “Cơn Mưa Ngang Qua” của Sơn Tùng MTP chứng tỏ được sức nóng có phần vượt trội hơn cả các bản hit chính thống cùng thời điểm. Các ca khúc Underground mới xuất hiện gần đây như “Túy Âm”, “Một Nhà”, “Đưa nhau đi trốn”… cũng dần thống lĩnh các trang nghe nhạc trực tuyến với lượt nghe, lượt view lên tới hàng trăm triệu… Con số mà bất cứ ngôi sao chính thống nào cũng phải ao ước.
Sơn Tùng M-TP thời mới bước vào Underground
Ngoài ra thì những cái tên có xuất phát điểm từ giới Underground khi bước ra địa hạt mainstream cũng tạo được ấn tượng mạnh mẽ và nhanh chóng được yêu thích cuồng nhiệt. Tiêu biểu có thể kể tới Sơn Tùng MTP, Suboi, Soobin Hoàng Sơn, vv… Những gương mặt rapper đình đám của giới Underground như Karik, Bigdaddy, Yanbi… bắt đầu đường hoàng sánh vai với các ca – nhạc sĩ lớn trong các sản phẩm kết hợp được đầu tư lớn.
Bên cạnh đó thì các sân khấu Underground đang bắt đầu mở rộng hơn. Các sự kiện âm nhạc Underground diễn ra tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí minh bắt đầu được tổ chức thường xuyên hơn. Thêm vào đó là những sân khấu của các nghệ sĩ Underground cá nhân cũng được hưởng ứng nồng nhiệt. Gần đây thì những buổi biểu diễn của ban nhạc Ngọt đã trở thành sự kiện thu hút giới trẻ với hơn 3000 vé bán hết tại Hà Nội cũng như 600 vé tại TP. Hồ Chí Minh. Nhóm nhạc Da LAB cũng đã có cho riêng mình một sân khấu với hơn 2.500 khán giả. Những cái tên khác của giới Underground cũng đã liên tiếp tung ra nhiều sản phẩm tiếp cận được với những tai nghe nhạc sành sõi. Với lợi thế là tư duy văn minh, có quan sát và học hỏi từ nhiều tên tuổi nổi bật của Underground thế giới thì sản phẩm âm nhạc của họ bắt nhịp rất nhanh với âm nhạc đương đại và sẵn sàng chinh phục người nghe nhạc bởi sự mới mẻ.
Nhóm Ngọt
Underground đương đại cũng có nhiều thách thức riêng, tiêu biểu là việc dần mất đi cá tính riêng khi chuyển từ dòng nhạc Underground sang Overground – đi từ phi chính thống sang thương mại cũng là thách thức không nhỏ đối với các nghệ sĩ thuộc thế giới ngầm. Thế nhưng những người yêu âm nhạc vẫn luôn sẵn lòng chờ đón những điều thú vị mới mẻ từ loại hình âm nhạc rất độc đáo này.