Tham vọng và ý chí cá nhân của các nhân vật quyền lực tại Trung Quốc chưa đủ giúp nền bóng đá nước này cất cánh.
Hơn nửa thập niên trôi qua kể từ khi dự án đưa bóng đá Trung Quốc trở thành thứ quyền lực mềm mới được khởi động. Ngay từ khi bắt đầu, tham vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc khiến nhiều người hoài nghi, khi mô hình phát triển nói trên dựa nhiều vào ý chí cá nhân và tiềm lực kinh tế của các tập đoàn.
Cuộc khủng hoảng của Evergrande Group, một trong những trụ cột lớn nhất cho kế hoạch phát triển bóng đá Trung Quốc, cho thấy những hoài nghi này hoàn toàn có cơ sở. Nó có thể dẫn đến sự biến mất của Guangzhou FC, đội bóng hùng mạnh nhất Trung Quốc trong một thập niên qua.
Mặt trái của 'El Dorado'
Tháng 12/2015, Carlos Dunga, HLV trưởng tuyển Brazil khi đó từng mô tả Trung Quốc đang tạo ra một "El Dorado mới" cho bóng đá thế giới. Dunga thốt lên như thế sau khi chứng kiến các học trò của ông trên ĐTQG như Paulinho hay Diego Tardelli nhảy sang Trung Quốc trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp.
"El Dorado" là từ để chỉ một tục lệ của các bộ tộc người da đỏ. Khi một thủ lĩnh của các bộ tộc này mới lên ngôi, họ đem cát vàng rắc lên người nhân vật quyền lực ấy.
Các tập đoàn Trung Quốc muốn làm hài lòng chính phủ. Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) thường cho rằng bóng đá phải tách rời chính trị, nhưng điều này rõ ràng không thể, đặc biệt ở các nền bóng đá đang phát triển.
Mỗi cuộc chi tiêu của các nền bóng đá mới nổi thường đi kèm những mục đích chính trị. Chúng ta từng chứng kiến điều đó ở Nga hay nhiều quốc gia Trung Đông. Trung Quốc cũng không là ngoại lệ.
Chủ tịch Tập Cận Bình thích bóng đá. Tháng 10/2015, ông kết thúc chuyến công du tới Anh bằng việc đến thăm đại bản doanh của Man City và chụp ảnh cùng tiền đạo Sergio Aguero.
Truyền thông Trung Quốc nói tình yêu bóng đá của Chủ tịch Tập Cận Bình có từ thời trung học và ảnh hưởng từ người cha quá cố Tập Trọng Huân, một người cũng đam mê môn thể thao vua.
Nhưng bên cạnh ý thích cá nhân, Chủ tịch Tập Cận Bình còn có tham vọng đưa bóng đá Trung Quốc xứng tầm với sự phát triển kinh tế và vị thế quốc gia. Năm 2015 là lần đầu tiên Bộ Thể thao Trung Quốc công bố đề án phát triển bóng đá nước nhà, có tầm nhìn đến năm 2030.
Trong vòng 10 năm, Trung Quốc muốn tạo ra một nền bóng đá đủ mạnh để cạnh tranh với các quốc gia lớn trên thế giới. Đến năm 2030, Trung Quốc muốn đăng cai World Cup.
Trung Quốc dự kiến có 20.000 trường dạy bóng đá, cung cấp hơn 200.000 cầu thủ vào năm 2025. "Với tiền của các tập đoàn, Trung Quốc hoàn toàn có thể mơ về chức vô địch World Cup", HLV Sven-Goran Eriksson từng nói.
HLV Eriksson từng có 4 năm làm việc tại giải VĐQG Trung Quốc (Chinese Super League - CSL), nên những phát biểu của ông không phải thiếu cơ sở. Tuy nhiên, với viễn cảnh bóng đá Trung Quốc sắp chứng kiến CLB lớn thứ hai bị xóa sổ trong 2 năm liên tiếp, HLV người Thụy Điển có lẽ phải thừa nhận mình đã sai.
Đầu năm nay, Jiangsu Suning bị xóa tên trên bản đồ bóng đá Trung Quốc sau chức vô địch CSL 2020. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Suning Commerce Group, chủ sở hữu Jiangsu Suning, khiến mọi hoạt động đầu tư vào bóng đá của tập đoàn bán lẻ này phải dừng lại.
Guangzhou FC đang trên đường đi vào vết xe đổ đó, bất chấp việc Evergrande Group, chủ sở hữu CLB này từng chi rất nhiều tiền cho giấc mơ bóng đá của chính phủ Trung Quốc.