Theo thống kê, hàng năm ở nước ta có khoảng 750 – 800 người mới mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp trên một triệu dân từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ mắc bệnh là 0.5% dân số, trong đó 80% là nữ giới. Bệnh thường gây ra biến dạng khớp và mô xung quanh khớp. Từ đó làm mất chức năng khớp. Khớp mất đi chức năng và đau nên ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Điều này gây cản trở các sinh hoạt đời thường. Chúng ta cần trang bị kiến thức về bệnh để có phương pháp phòng và chữa bệnh kịp thời. Vậy viêm đa khớp dạng thấp là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị như thế nào?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm đặc hiệu. Bệnh xảy ra ở các khớp gây tổn thương màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương dưới sụn. Bệnh diễn biến mạn tính dẫn đến tình trạng dính và biến dạng khớp. Đây là một trong các bệnh khớp viêm mạn tính thường gặp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp:
– Theo Tây y đây là một bệnh tự miễn với sự tham gia của nhiều yếu tố gây nên một tình trạng viêm không đặc hiệu, mạn tính. Màng hoạt dịch khớp ăn mòn ở các khớp ngoại biên, đối xứng. Diễn biến kéo dài tiến triển thành từng đợt, có xu hướng tăng dần. Dẫn đến tổn thương sụn khớp, ăn mòn xương gây biến dạng khớp, dính khớp và mất chức năng vận động của khớp.
Tác nhân gây bệnh: Các tác nhân gây bệnh có thể do virus, vi khuẩn, dị nguyên nhưng chưa được xác định chắc chắn.
Yếu tố cơ địa: Bệnh có liên quan rõ rệt đến giới tính (70-80% bệnh nhân là nữ) và tuổi (60-70% gặp ở người trên 30 tuổi).
Yếu tố di truyền: Viêm đa khớp dạng thấp có tính gia đình, có liên quan với kháng nguyên hóa hợp tổ chức HLA DR4 (Gặp 60-70% bệnh nhân có yếu tố này, chỉ 30% là ở cộng đồng).
Các yếu tố bên ngoài: Môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy yếu mệt mỏi, nhiễm lạnh, phẫu thuật cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp.
– Còn theo Đông y bệnh viêm khớp dạng thấp do vệ khí của cơ thể không đầy đủ. Các tà khí như phong, hàn, thấp, nhiệt xâm phạm vào cân, cơ, khớp xương, kinh lạc. Từ đó làm sự vận hành của khí huyết tắc lại gây các chứng sưng, đỏ nóng, đau các khớp. Do người già can thận bị hư, hoặc bệnh lâu ngày làm khí huyết giảm sút dẫn đến can thận bị hư. Thận hư không chủ được cốt tủy, can huyết hư không nuôi dưỡng được cân làm xương, khớp xương bị thoái hóa, biến dạng, cơ bị teo và khớp bị dính,…
Triệu chứng viêm khớp dạng thấp:
Tính đối xứng: Một trong những biểu hiện dễ nhận biết nhất của bệnh viêm đa khớp dạng thấp đó là tính đối xứng. Người bệnh thường bị viêm ở 2 khớp đối xứng nhau như ở hai đầu gối, hai ngón tay cùng vị trí ở hai bàn tay.
Cứng khớp buổi sáng: Mỗi sáng thức dậy các khớp bị cứng không thể vận động được ngay mà phải xoay khớp, xoa bóp chừng 10-15 phút mới có thể xuống giường.
Đau khớp: Biểu hiện tiếp theo là đau khớp, nhất là các khớp nhỏ như: khớp bàn ngón tay, cổ tay, bàn ngón chân, cổ chân.
Viêm đau: Các khớp có đặc điểm là viêm đau, có thể sưng nhưng không đỏ lên. Bao giờ cũng có hiện tượng đau đối xứng hai bên.